LO NGẠI GIÁ NHÔM TĂNG PHI MÃ QUÝ IV NĂM 2021 DO CUỘC ĐẢO CHÍNH GUINEA ĐỨT GÃY NGUỒN CUNG QUẶNG BAUXITE

Giá nhôm tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ do cuộc đảo chính ở Guinea làm dấy lên lo sợ về nguồn cung nguyên liệu nhôm, bất chấp việc người đứng đầu chính quyền quân sự của nước này hối thúc các công ty khai thác mỏ hãy tiếp tục hoạt động.
Giá nhôm kỳ hạn tháng 10 trong phiên giao dịch 6/9 trên sàn Thượng Hải đã tăng 3,4% lên hơn 21.980 nhân dân tệ (3.406,64 USD)/tấn - mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2006, sau đó giảm nhẹ và kết thúc ở mức 21.640 nhân dân tệ/tấn, vẫn cao hơn 1,6% so với phiên liền trước.
Sàn giao dịch kim loại London (LME) cũng chứng kiến giá nhôm đột ngột tăng, với kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 1,8% và chạm mức 2.775,50 USD/tấn – cao chưa từng có kể từ tháng 5/2011.

Việc giá nhôm ở cả 2 sàn London và Thượng Hải đều tăng thúc đẩy cổ phiếu của các nhà sản xuất trong ngành tăng mạnh. Theo đó, cổ phiếu của công ty Aluminium Corp - - công ty dẫn đầu ngành công nghiệp nhôm của Trung Quốc - tăng vọt, với mức tăng 10% trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông trong phiên 6/9, trong khi cổ phiếu của United Co. Rusal tăng 15%.
Một đơn vị quân đội Guinea đã lật đổ quyền vào hôm Chủ nhật, 5/9, tuyên bố đình chỉ hiến pháp. Người đứng đầu lực lượng đặc biệt, Đại tá Mamady Doumbouya, được sự ủng hộ của quân đội.
Quốc gia tây Phi này là nhà cung cấp quan trọng bauxite, nguyên liệu cần thiết để sản xuất nhôm, sản xuất khoảng 1/4 sản lượng nhôm trên thế giới, và chiếm hơn một nửa lượng nhập khẩu của Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới. Dữ liệu xuất khẩu chính thức cho thấy nước này xuất khẩu khoảng 82,4 triệu tấn bauxite cho nhiều thị trường trên toàn cầu trong năm ngoái.
Mặc dù tình hình bất ổn có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung khoáng sản của nước này, song cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc khai thác hoặc vận chuyển trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng.

Sản lượng khai thác bauxite của Guinea cao thứ hai thế giới trong năm 2020
Nhôm được sử dụng trong mọi thứ, từ các bộ phận trong xe hơi, máy bay đến lon đồ uống, thiết bị gia dụng, giấy bạc và các thành phẩm có giá trị từ trung bình đến cao khác.
Giá nhôm trên sàn London từ đầu năm đến nay đã tăng 38% do nhu cầu tiêu dùng tăng khi hoạt động kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh các nhà máy luyện kim ở Trung Quốc phải vật lộn để duy trì sản lượng trong giai đoạn thiếu điện nghiêm trọng theo mùa vụ và Bắc Kinh nỗ lực hạn chế lượng khí thải carbon theo cam kết với thế giới.
Chính vì thị trường nhôm đang rất "mong manh" nên giá đã tăng mạnh ngay sau khi cuộc đảo chính diễn ra, bất chấp việc Doumbouya nói rằng biên giới trên biển vẫn thông suốt để tạo thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm khai thác và lệnh giới nghiêm đối với các hoạt động khai thác đã được dỡ bỏ.
Trong một bài phát biểu sau cuộc đảo chính, chính quyền quân sự của Doumbouya thúc giục các công ty khai thác tiếp tục hoạt động. Trước đó, Chalco - công ty có dự án bauxite ở Guinea, cho biết mọi hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường và dự trữ bauxite của họ ở các nhà máy tại Trung Quốc vẫn dồi dào.



Trong khi người sáng lập tập đoàn Rusal, Oleg Deripaska, cảnh báo rằng thị trường "có thể bị rung chuyển nghiêm trọng" bởi tình hình này, các nhà giao dịch vẫn đang chờ đợi để có thêm manh mối về việc nguồn cung bauxite có thể bị cắt giảm.
Theo Michael Widmer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kim loại thuộc Bank of America Merrill Lynch, thị trường bauxite đã dư thừa nguồn cung trong nhiều năm và bất kỳ sự gián đoạn nào cũng phải rất nghiêm trọng mới có thể thay đổi trạng thái đó.
"Tôi thích nhôm vì nhiều lý do khác nhau," ông Widmer nói qua điện thoại từ London, và thêm rằng: "Điều đó nói lên rằng, nếu bạn gặp vấn đề ở một quốc gia cung cấp 20% bauxite cho thị trường toàn cầu, thì rõ ràng đó sẽ là một vấn đề."
Xiong Hui, trưởng nhóm phân tích nhôm của Beijing Antaike Information Development Co. cho biết: "Các nhà đầu tư khá lo ngại vì Trung Quốc mua một lượng lớn bauxite từ Guinea", mặc dù chưa có báo cáo nào về sự gián đoạn khai thác, và bất kỳ mức độ tác động nào cũng sẽ phụ thuộc vào diễn biến tình hình sẽ ra sao.
Các chuyên gia nhận định, Nga - quốc gia sản xuất nhôm lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc, và Ấn Độ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc đảo chính ở Guinea.
Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư cũng đang xem xét việc cắt giảm sản lượng đang diễn ra ở tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, điều khiến cho nguồn cung nhôm càng thêm bị thắt chặt.
Ngành công nghiệp nhôm của Trung Quốc - sử dụng nhiều năng lượng - đã bị giám sát chặt chẽ hơn trong chiến dịch giảm ô nhiễm môi trường.
Trung Quốc sản xuất khoảng 60% tổng sản lượng nhôm của thế giới. Do những lo ngại về sản lượng đã buộc khiến một số nhà máy luyện kim lớn nhất của nước này cam kết đảm bảo nguồn cung, đồng thời Nhà nước Trung Quốc cũng xuất kho kim loại dự trữ để giảm bớt tình trạng khan hiếm.
Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào kim loại nhập khẩu, trong khi nguồn tài nguyên kim loại khá dồi dào này trên toàn cầu đang trở nên ngày một cạn kiệt.
 
Tham khảo: Bloomberg, Reuters

Email us