Tập đoàn Nhôm Sông Hồng SHALUMI tham gia kiến nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm thanh định hình về 0%

1. NGUYÊN LIỆU:

Nguyên liệu nhập khẩu thực tế hiện nay các doanh nghiệp sản xuất nhôm định hình tại Việt Nam đang sử dụng phôi nhôm (gồm dạng thỏi-ingot và dạng thanh cây-billet) mã HS 76.01 và tái chế nhôm phế liệu để sản xuất các sản phẩm nhôm thanh định hình (profile nhôm) dùng trong công nghiệp và xây dựng,nước ta vẫn chưa có đơn vị nào sản xuất được nhôm nguyên liệu dạng ingot (điện phân tạo ra nhôm nguyên chất) phục vụ cho ngành sản xuất hàng hóa từ nhôm và hợp kim nhôm. Các nhà máy sản xuất trong ngành nhôm vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn nhôm nguyên liệu để sản xuất các loại hàng hóa, trong đó chủ yếu là sản xuất nhôm dạng thanh, que và hình (mã HS7604). Các dự án khai thác bô xít Nhân Cơ và Tân Rai ở Tây Nguyên hiện vẫn đang là dự án khai thác và sơ chế quặng, chúng ta chưa có năng lực sản xuất (luyện) ra nhôm nguyên chất phục vụ công nghiệp chế biến, chế tạọ.
Để tạo ra sản phẩm thanh nhôm định hình từ nhôm nguyên liệu (mã HS 76.01), cần có sự nghiên cứu sáng tạo và quá trình chuyển đổi phức tạp thông qua dây chuyền sản xuất với sự đầu tư lớn lên tới hàng trăm tỷ đồng ở mỗi nhà máy và hoạt động nghiên cứu, sản xuất bài bản như trên để biến nhôm nguyên liệu chưa gia công thành nhôm định hình mã HS 76.04. Tiếp sau đó, các sản phẩm Nhôm ở dạng thanh, que và hình mã HS 76.04 qua gia công đơn giản lại tiếp tục tạo ra các sản phẩm kết cấu, cấu kiện bằng nhôm có mã HS 76.10 để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sự thiếu công bằng với các nhà sản xuất nhôm định hình hiện nay đến từ việc nhóm sản phẩm có mã HS 7610 gồm: (i) các kết cấu bằng nhôm và các bộ phận của các kết cấu bằng nhôm (ví dụ: cầu và nhịp cầu, tháp, cột lưới, mái nhà, khung mái, cửa ra vào và cửa sổ và các loại khung cửa và ngưỡng cửa ra vào, cửa chớp, lan can, cột trụ và các loại cột); (ii) tấm, thanh, dạng hình, ống và các loại tương tự bằng nhôm, đã được gia công để sử dụng làm kết cấu. Đây chính là các sản phẩm được tạo ra từ các que, thanh nhôm định hình (mã HS 7604) thông qua gia công sơ chế đơn giản như: cắt, gọt, đục, đệm… với chi phí đầu tư thấp chỉ từ vài chục triệu đồng để mua một số thiết bị gia công đơn giản là thợ nhôm kính có thể thực hiện được, biến các sản phẩm thanh nhôm định hình mã HS 7604 thành các sản phẩm đã được gia công hoặc kết cấu từ nhôm có mã HS 7610 với mức thuế suất xuất khẩu là 0%.

2. SỰ THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH THUẾ XUẤT KHẨU NHÔM:

Trước ngày 01/9/2016, các sản phẩm nhôm dạng thanh, que và hình (mã HS7604) được miễn thuế xuất khẩu do nhóm hàng hóa này được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, từ ngày 01/9/2016, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực và Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã bãi bỏ chính sách trên, các Doanh nghiệp có hàng hóa phân loại trong nhóm HS 7604 đều phải chịu thuế xuất khẩu 5% theo quy định tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP và các nghị định sửa đổi điều chỉnh sau này, khiến hàng hóa của chúng ta giảm sức cạnh tranh, các doanh nghiệp mất đi nhiều đơn hàng xuất khẩu, gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng thị trường. Trên thực tế, nhóm hàng hóa nhôm dạng thanh, que và hình (mã HS7604 ) không phải là tài nguyên khoáng sản, mà là sản phẩm hàng hóa cho thị trường xây dựng (dạng vật liệu xây dựng) hoặc cho thị trường công nghiệp cơ khí chế tạo máy, nên việc Chính phủ áp thuế để hạn chế xuất khẩu 5% như hiện nay là không phù hợp.
Từ thực tế trên, Đại diện các Doanh Nghiệp thành viên Hiệp Hội gửi văn bản tới Hiệp Hội để Đại diện Hiệp Hội kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm từ nhôm dạng thanh, que, hình mã HS 7604 từ 5% về 0%; Các sản phẩm thuộc nhóm HS 7604 cần được xem là thành phẩm và không phải chịu mức thuế xuất khẩu 5% như quy định hiện nay.
Việc giảm thuế xuất khẩu cho nhóm hàng hóa này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất nhôm định hình Việt Nam phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, tạo nhiều việc làm cho ngành sản xuất nhôm và nhôm – kính đang phát triển mạnh mẽ hiện nay. Đây là mục tiêu sống còn của các doanh nghiệp sản xuất Nhôm định hình hiện nay trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sức ép bán phá giá từ cường quốc nhôm Trung Quốc, ông Nguyễn Minh Kế nhận định.

3. MÂU THUẪN TRONG CHÍNH SÁCH:

Từ năm 2019 đến nay, các sản phẩm nhôm định hình của nhóm hàng hóa này được nhà nước bảo hộ thông qua viêc áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc, nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước. Nhưng cũng chính nhóm hàng hóa này lại đang bị đánh thuế xuất khẩu 5%, gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm góp phần ổn định kinh tế – xã hội. Đây đang là mâu thuẫn trong các chính sách của nhà nước đối với ngành nhôm. Từ các vấn đề trên, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhôm và Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đã đề nghị Chính phủ, các bộ ngành: Bộ Tài Chính, Bộ Công thương xem xét miễn thuế xuất khẩu cho nhóm sản phẩm chính của ngành nhôm hiện nay là nhôm dạng thanh, que và định hình (mã HS 7604) để tháo gỡ rào cản, góp phần đưa sản phẩm Nhôm Việt vươn ra thị trường quốc tế.

Một số hình ảnh dây chuyền sản xuất nhôm SHALUMI :






 

_Shalumi_

Email us